CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin cộng đồng > Ngày xuân nói chuyện làng, nước

Ngày xuân nói chuyện làng, nước

22/02/2019

(GLO)- Hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi bất thần nghe câu: “Vơ làng nước ơi!” (Ơi làng nước ơi!). Là dân Nghệ mình có thói quen kêu làng nước khi gặp đại họa. Mỗi khi nghe câu ấy cất lên thảng thốt là có cháy nhà, trộm cướp, ốm đau chết người...


Nói như vậy để thấy rằng, làng và nước là 2 thực thể thiêng liêng trong lòng người Việt. Nếu các từ “thôn”, “xã”, “dân tộc”, “quốc gia”, “tổ quốc” là từ Hán Việt thì “làng”, “nước” là thuần Việt.
 
Làng và nước tồn tại bên nhau, trong nhau trường tồn qua lịch sử ngàn năm của nước Việt. Có thể nói đó là cách tổ chức xã hội cực giỏi của tổ tiên ta. Nó vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, tính tự quản của cộng đồng dân cư; vừa đảm bảo tính thượng tôn pháp luật của nhà nước. Nó bổ sung lẫn nhau, vừa tạo ra sự hài hòa phong phú, vừa tạo ra sức mạnh uy nghiêm thống nhất.
 
rong-(1).jpg
Ảnh minh họa

Trong thực tế, luật pháp chưa bao giờ đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều chỉnh cuộc sống phong phú đa dạng của tất cả vùng miền, cư dân làng quê ngõ xóm. Đã có lúc người Việt nói: “Phép vua thua lệ làng”; “Quan thì xa, bản nha thì gần”... Họ yêu nước nhưng cũng trọng làng.
 
Nước có phép nước. Làng có lệ làng. Phép nước chung cho tất cả mọi ngôi làng trên lãnh thổ quốc gia. Lệ làng (khoán ước, hương ước...) là quy định rất riêng theo đặc thù, tâm tư nguyện vọng của từng làng. Luật nước xưa chủ yếu chỉ chú trọng Hình luật. Trong Hình luật Quốc gia có “Ngũ hình” là 5 loại hình phạt như: xuy hình (đánh roi, dùng trị người già, đàn bà chửa); trượng hình (đánh bằng gậy); đồ hình (cải tạo lao động khổ sai); lưu hình (lưu đày ra biên giới, nơi còn mọi rợ); tử hình (giết chết). Trong tử hình lại có nhiều cách như: tùng xẻo (dùng dao xẻo từng miếng thịt trên người cho đến chết); trảm (chặt đầu, chém ngang lưng); tứ mã phanh thây, ngũ ngưu phanh thây (dùng ngựa, trâu buộc vào cổ, chân tay xé xác); voi dày; bỏ vạc dầu... Khi xử tử hình thường cưỡng bức dân xem để thị uy, đe đọa...
 
Làng cũng có 5 hình phạt nhưng thường rất khác nhau, tùy từng nơi. Hình phạt nặng nhất của làng là đuổi khỏi làng hoặc thả trôi sông. Thời xưa khi phải ra khỏi làng đồng nghĩa với nhục nhã khốn khó. Người bị phạt không biết đi về đâu, phải đến đất người “ngụ cư”. Xưa có ca dao: “Khôn ngoan ở đất nhà bay/Dù che ngựa cưỡi đến đây cũng hèn”. Người ngụ cư vì thế là công dân hạng 2. Họ phải ở ngoài lũy (tre) làng 3 đời. Khi chứng minh được mình là người tốt, có đủ tiền khao vọng làng thì mới được thành dân chính cư (giống thẻ xanh của Mỹ bây giờ). Hình phạt thứ 2 là phạt vạ (ăn khoán) bằng tiền của, cái ăn. Hình phạt thứ 3 của làng là đánh bằng gậy. Hình phạt thứ 4 là đánh bằng roi. Hình phạt thấp nhất của làng là làm lao công.
 
Thực thi việc làng ngày xưa cũng hay. Làng thường có 2 hội đồng: hội đồng kỳ mục (là hội đồng già làng gồm tiên chỉ, thứ chỉ; thực chất là các hưu quan thông chữ nghĩa được làng tín nhiệm; đại diện cho dân) và hội đồng lý dịch (lý trưởng, phó lý do vua cắt cử; đại diện cho nhà nước). Mãi đến đời Tự Đức, 2 hội đồng này vẫn tồn tại song song để đảm đương việc làng (1 làng hoặc 1 xã nhiều làng). Ở đình làng, lý trưởng, phó lý ngồi bên hữu; già làng ngồi bên tả (theo quan niệm phương Đông, bên tả quan trọng hơn bên hữu). Mỗi khi quyết định việc làng, lý trưởng thường phải xin ý kiến già làng trước. Như vậy, thực quyền vẫn nằm trong tay già làng. 
 
Ngay từ thời Hậu Lê, nhà vua luôn có ý xâm thực vào làng Việt. Tuy vậy quyền lực vua qua lũy tre làng vẫn bị “khúc xạ”, có biến cải phù hợp. Vua Lê Thánh Tông có cải cách rất lớn trong quan hệ làng xã. Từ cải cách của Vua Lê Thánh Tông, việc nước ổn mà việc làng cũng tốt. Xã hội trở nên trật tự nghiêm minh.
 
Xin nói thêm: Làng là đất cổ nên trong tiếng Việt nơi đất mới thường không gọi là làng mà gọi ấp hoặc thôn. Xưa có khai hoang lập ấp, điền trang thái ấp, di dân lập ấp, nghĩa là đưa dân lập điểm dân cư mới (như kinh tế mới bây giờ). Nay ta gọi rất lộn xộn. Các làng Tây Nguyên gọi theo tiếng bản địa là buôn, bon, plei, plơi...; ta thường gán cho từ “già làng” nhưng lại “trưởng thôn”. Già làng là của dân, trưởng thôn thuộc về nhà nước. Có lẽ nên gọi trưởng làng, trưởng buôn... thì đúng hơn.
 
Cũng nên nói một chút về lệ làng. Tôi có thời đi tăng cường xã, lại có lúc cơ quan cũ phụ trách xã. Đến mục giúp làng xây dựng hương ước thì... quá hài. Hương ước được Sở Tư pháp soạn sẵn một văn bản đầy đủ thống nhất, photocopy cho từng làng. Chỉ thay tên làng là được. Họp làng đọc cho mọi người cùng nghe coi như xong chuyện. Một chuyện nực cười nữa là khoán ước khoán văn ấy hoàn toàn không có chế tài. Chế tài ở làng Tây Nguyên cổ thường rất nặng như đuổi cả nhà, dòng họ vào rừng; phạt bò phạt rượu; thậm chí bắt cởi trần bò trên đất ăn bằng máng heo... Nhìn chung các hình phạt ấy là quá nặng, thậm chí nhục mạ con người. Tuy nhiên vẫn cứ nên duy trì một cách hợp lý các chế tài mang tính răn đe có lợi mà không hại đến luật nước, tránh xung đột với quy phạm pháp luật.
 
Phải nhấn mạnh thêm rằng, hương ước (lệ làng) là luật của làng, quy định toàn diện mọi sinh hoạt đời sống của làng, nó ăn sâu vào máu thịt của dân làng. Đó vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của con dân trong làng. Hương ước là hồn cốt của làng, được người hay chữ soạn ra, cả làng thảo luận dân chủ, nhất trí. Hàng năm nhằm ngày đẹp trời tháng Giêng, trai đinh trong làng tụ hội, gọi là lễ Minh thệ. Trong lễ Minh thệ ấy, mọi trai đinh đều phải đọc lại hương ước và thề thực hiện nghiêm túc.
Theo Báo Gia Lai
 

Other



Copyright © 2016 Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm: Kpă Đô - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai 
Địa chỉ: 07 Hai Bà Trưng, Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: (0269)3716829 - Fax: (0269)3716829 - Email: bdt@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 02/GP-TTĐT ngày 01 tháng 04 năm 2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai