CHUYÊN MỤC

Tin tức > Tin tổng hợp > GIA LAI: VẤN NẠN TẢO HÔN CHƯA CÓ HỒI KẾT

GIA LAI: VẤN NẠN TẢO HÔN CHƯA CÓ HỒI KẾT

06/09/2022

1. Đi tìm nguyên nhân vấn nạn
Gia Lai là tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Với 44/54 dân tộc trên địa bàn tỉnh tạo ra sự đa dạng phong phú văn hóa, song cũng tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, trong đó có vấn nạn tảo hôn. Theo Báo cáo số 38-BC/DT về kết quả thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 ở Gia Lai”, số liệu thống kê qua các năm: Năm 2018, số vụ tảo hôn lên tới 989 cặp, năm 2019 là 949 cặp. Cho thấy, vấn nạn tảo hôn nói riêng tuy có giảm nhưng không nhiều, chưa khẳng định được hiệu quả của việc thực hiện đề án.


Untitled-(1).png
Một buổi học xử lý tình huống tảo hôn tại Trường chính trị tỉnh Gia Lai
 
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này (căn cứ khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình).
 
Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình, độ tuổi đăng ký kết hôn được quy định gồm: Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
 
Tảo hôn không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn gây ra nhiều hệ quả xã hội, như: sức khỏe bà mẹ và trẻ em không được đảm bảo; thanh thiếu niên bỏ học sớm, thiếu kiến thức và kỹ năng lao động, cơ hội có việc làm tốt và nâng cao thu nhập thấp. Kết hôn sớm cũng dẫn tới đông con gây khó khăn về kinh tế, ảnh hưởng đến việc chăm lo đầy đủ cho các thế hệ sau. Tảo hôn cũng gây ra các gánh nặng cho xã hội về y tế, giáo dục…
 
Tảo hôn diễn ra chủ yếu trong những vùng ĐBDTTS - nơi mà đời sống kinh tế còn gặp khó khăn chứ không diễn ra ở tất cả các bộ phận dân cư. Qua phân tích số liệu và khảo sát thực địa chúng tôi nhận thấy, có những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp cộng hưởng và tác động lâu dài tạo ra nạn tảo hôn:
 
Thứ nhất, đời sống của người dân những vùng tảo hôn là vùng kinh tế chậm phát triển, chủ yếu dựa nông nghiệp nhỏ, canh tác phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, cần nhiều sức lao động; cơ hội cho thanh thiếu niên chuyển đổi nghề nghiệp khác ngoài nông nghiệp rất hạn chế. Khi canh tác nông nghiệp là lựa chọn nghề nghiệp gần như là duy nhất thì việc sớm ổn định gia đình để tham gia canh tác nông nghiệp lại là một lựa chọn tối ưu đối với người dân. Theo đó, thì đối với các gia đình nghèo, việc kết hôn sớm và sinh nhiều con lại trở thành một tấm lưới an toàn với các bậc cha mẹ.
 
Khó khăn bắt nguồn từ nhận thức mà nền tảng giải quyết vấn đề là tiếp cận dịch vụ giáo dục. Một trong những rào cản lớn nhất đối với học sinh dân tộc thiểu số là ngôn ngữ, nhất là vùng sâu vùng xa. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của học sinh, tạo ra tâm lý tự ti khi không bắt kịp kiến thức so với các bạn học khác, dẫn tới sớm bỏ học. Bỏ học sớm lại là tiền đề tác động dẫn tới lập gia đình sớm, như là một con đường để ổn định cuộc sống. Mấy năm gần đây, do tác động của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học ở nhà quá lâu cũng dẫn tới nguy cơ tảo hôn cao hơn.
 
Đối với các bậc phụ huynh, đầu tư cho giáo dục là một chặng đường dài và tốn kém (mặc dù đã được nhận hỗ trợ nhất định), lợi ích đem lại từ hoạt động giáo dục khó thấy được và ở rất xa trong khi thiệt hại kinh tế thì thấy ngay trước mắt, như: Chi phí đầu tư cho con đi học, gia đình mất công lao động… Nếu con em học lên các bậc học sau phổ thông thì chi phí hữu hình ấy lại rất cao. Thực tế, một bộ phận thanh niên được đào tạo ở các bậc học CĐ, ĐH ra trường chưa xin được việc làm đã tạo ra tâm lý: Học cao cũng quay về làm nương rẫy nên tốt nhất là nghỉ học sớm để đỡ tốn tiền của (!) Đầu tư cho giáo dục dài hơi, tốn kém; hiệu quả không nhận diện được ngay… thì việc cho con cái nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình là điều rất dễ xảy ra. 
 
Như vậy, tác động lớn nhất để dẫn tới nạn tảo hôn là do nghèo. Theo thống kê từ báo cáo giảm nghèo của tỉnh Gia Lai, từ năm 2012 đến nay số hộ nghèo là hộ ĐBDTTS trung bình chiếm khoảng 80% hộ nghèo. Nguyên nhân dẫn đến nghèo cũng bởi nhiều lẽ: do sự cách biệt về mặt địa lý, hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục... Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở khu vực Tây Nguyên hay nước ta mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác.
 
Thứ hai, bắt nguồn từ tập quán lạc hậu. Ở một số làng ĐBDTTS, các thế hệ trong một gia đình, dòng họ và trong làng lập gia đình sớm theo phong tục mà không cần đăng ký kết hôn. Vì vậy, người dân coi việc “dựng vợ, gả chồng” sớm là điều bình thường, để sớm ổn định và để nhà có thêm sức lao động. Một phần nguyên nhân là do người dân chưa ý thức được việc tảo hôn là vi phạm pháp luật, có hại cho con em mình.
 
Thứ ba, sự thiếu hiểu biết trong một bộ phận thanh thiếu niên về giới tính, về sức khỏe sinh sản...
 
Ngày nay, với chiếc điện thoại thông minh, mạng xã hội phủ sóng tạo điều kiện cho phim ảnh đồi trụy phát tán, gây nên những ham muốn về tình dục, khám phá bản thân gồm việc quan hệ tình dục thiếu an toàn, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn ở các bé gái vị thành niên, buộc phải bỏ học ở nhà lập gia đình.
 
Thứ tư, chế tài xử lý chưa đủ tính răn đe. Hiện nay, hành vi tảo hôn chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt theo quy định tại Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2015/NĐ-CP như sau: “Cảnh cáo hoặc xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó”. 
 
Tuy vậy, ngay cả phía cả các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã thẳng thắng thừa nhận rằng: “Tình trạng xử lý vi phạm về hôn nhân và gia đình còn chưa kiên quyết do có yếu tố tình cảm trong công tác xử lý: tâm lý nể nang trong cùng xóm, làng, cộng đồng; mối quan hệ quen biết, con cháu trong cùng dòng họ; đối với việc xử lý vi phạm hành chính về tảo hôn còn gặp khó khăn do các gia đình cho con tảo hôn phần lớn là hộ nghèo, không có khả năng nộp phạt”.
 
Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt công tác giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên chưa được quan tâm, nhiều thanh thiếu niên ít tham gia gia sinh hoạt cộng đồng và các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường và ở địa phương.
 
Công tác quản lý việc đăng ký kết hôn và quản lý hộ tịch, hộ khẩu chưa chặt chẽ, tạo điều kiện cho các trường hợp tảo hôn được sự đồng ý của hai gia đình tổ chức cưới theo phong tục truyền thống, mà không đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn muộn hơn.
 
2. Giải pháp phòng chống tảo hôn.
 
Thứ nhất, cần xác định đối tượng tuyên truyền để xác định chủ thể và phương pháp tuyên truyền. Đối tượng tuyên truyền: Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhất là học sinh người ĐBDTTS; phụ huynh học sinh (tập trung ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có nguy cơ bỏ học cao); già làng, người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo. 
 
Như vậy, công tác tuyên truyền, phòng chống tảo hôn cần đẩy mạnh trước hết ở trường học, với nội dung cần quan tâm là tuyên truyền giáo dục giới tính. Thông qua thành lập các tổ tư vấn về tâm sinh lý cho học sinh, tổ chức các vở kịch, lồng vào trong các tiết học về pháp luật, về sức khỏe sinh sản, về tác hại của tảo hôn, các vấn đề về giới tính; lập các hòm thư học đường tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh hỏi những vấn đề mà các em còn e ngại. Nhà trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng lập các phiên tòa giả định về tảo hôn cho học sinh ý thức được hệ quả về mặt pháp luật khi thực hiện tảo hôn.
 
Mở rộng các hoạt động ngoại khóa phong phú, đa dạng từ chính tâm lý, sở thích của học sinh. Như, tổ chức các hoạt động văn nghệ mang bản sắc Tây Nguyên được các em yêu thích. Ngoài ra, các câu lạc bộ võ thuật, bóng chuyền, TD-TT nói chung nhằm thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng học sinh, tạo các sân chơi cho các em thể hiện khả năng của mình thông qua các hội thi, hội diễn…. Như thế, cùng với nhà trường, môi trường xã hội là nơi các em được tham gia các hoạt động phù hợp với khả năng, sở thích và khẳng định được bản thân mình.
 
Thứ hai, về phía Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị - xã hội.
 
Mặt trận và đoàn thể tiếp tục tổ chức, phát triển văn hóa đọc; các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, các câu lạc bộ kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp ngay ở độ tuổi thiếu niên giúp cho các em trang bị hành trang để thành công trong cuộc đời sau này. Các hoạt động đó đều phải được tiếp cận từ chính tâm lý, ngôn ngữ của thanh thiếu niên. Mô hình các câu lạc bộ còn cho thấy yêu cầu của việc xã hội hóa giáo dục, tạo ra môi trường cho các cá nhân có cơ hội để khơi dậy các tiềm năng, năng khiếu riêng biệt. 
 
Với điều kiện nguồn lực Nhà nước chưa đủ để giải quyết hết các vấn đề xã hội thì việc các tổ chức đoàn thể đứng ra huy động các nguồn lực xã hội là việc cần thiết. Hiện nay, nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để giải quyết các vấn đề xã hội là rất dồi dào, điều cần làm là có những tổ chức chuyên nghiệp đủ khả năng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này.
 
Thứ ba, về phía chính quyền.
 
Thông qua công tác kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu theo dõi những trường hợp tảo hôn hoặc có nguy cơ tảo hôn, nhằm vận động và chặn đứng tình trạng trên. Phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan tuyên truyền, trực tiếp là Trung Tâm tư vấn pháp lý của Sở Tư Pháp, Phòng Tư pháp của huyện trong công tác tuyên truyền, chủ động tuyên truyền trong những vùng có điểm nóng về tảo hôn. 
 
Các buổi tuyên truyền không nên đặt nặng nội dung về các quy định pháp luật mà nên tùy theo tâm lý của người dân mà vận động. Người dân thường thích nghe kể chuyện, thích hỏi và muốn được hỏi. Cho nên, tuyên truyền cần thay đổi theo hướng đối thoại, trao đổi, lồng vào những câu chuyện, khuyến khích người dân tham gia đặt câu hỏi, tập trung vào những vấn đề gần gũi với cuộc sống của họ.
 
Vận động già làng, người có uy tín và chức sắc tôn giáo phổ biến nội dung tuyên truyền chống tảo hôn trong cộng đồng dân cư. Từ đó, phát động một phong trào nhằm vận động cả cộng đồng cùng đưa ra tuyên bố chung để “tẩy chay” hoặc “phạt vạ” những gia đình có con em tảo hôn. Điều quan trọng, là phải thay đổi nhận thức cho người dân từ việc coi tảo hôn là điều bình thường sang xem đó như là hành vi vi phạm chuẩn mực chung của cộng đồng.
 
Ngoài ra, một đối tượng tuyên truyền vận động khác chính là các cán bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp, nhất là trong cấp thôn, làng. Chính họ là những người sẽ thực hiện việc tuyên truyên chủ trương phòng chống tảo hôn ngay trong gia đình, dòng họ và thôn làng của mình, thúc đẩy ý thức tự giác của cộng đồng sự nguy hại của tảo hôn, loại bỏ nhận thức coi tảo hôn là điều bình thường trong cộng đồng mình đang sống hiện nay.
 
3. Mấy dòng kết luận
 
Để chặn đứng tảo hôn cần có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trong đó mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đề phải tham gia phối hợp, bằng sự nỗ lực cố gắng, kiên trì, bằng việc thử nghiệm những phương pháp vận động khác nhau, những hướng tác động khác nhau, đích đến cuối cùng là người dân tự thay đổi được nhận thức và chủ động bỏ hủ tục tảo hôn.
 
Đồng thời, tác động của tảo hôn do nhiều nguyên nhân khác nhau do đó cũng cần sự tác động bởi nhiều giải pháp khác nhau, có giải pháp tác động thức thì và cũng cần có những giải pháp lâu dài chặn đứng những nguy cơ đến từ những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Lưu ý rằng, thay đổi một tập tục vốn tồn tại lâu đời không phải là điều dễ dàng nếu như không thể thay đổi chính hoàn cảnh sống đã sản sinh nó.
Bùi Xuân Tiến – Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

Other



Copyright © 2016 Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm: Kpă Đô - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Chung nhan Tin Nhiem Mang
Địa chỉ: 07 Hai Bà Trưng, Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: (0269)3716829 - Fax: (0269)3716829 - Email: bdt@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 02/GP-TTĐT ngày 01 tháng 04 năm 2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai