CHUYÊN MỤC

Nghiên cứu - Trao đổi > Thực hiện chính sách dân tộc tại tỉnh Gia Lai theo tinh thần Đại hội XII của Đảng

Thực hiện chính sách dân tộc tại tỉnh Gia Lai theo tinh thần Đại hội XII của Đảng

15/01/2018

Vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có vị trí chiến lược, quan trọng trong mọi giai đoạn cách mạng của nước ta. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc là một trong những nhiệm vụ có vị trí chiến lược quan trọng, lâu dài trong cách mạng Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta” (1). Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh, đoàn kết dân tộc có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển của đất nước, sự phát triển mọi mặt của từng dân tộc gắn liền với sự củng cố phát triển cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta.


Thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về vấn đề chính sách dân tộc đều nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc tại tỉnh Gia Lai trong những năm qua, kinh tế vùng dân tộc thiểu số của tỉnh có sự chuyển biến tích cực và phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp đã tập trung đầu tư theo hướng sản xuất hàng hoá, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được triển khai rộng rãi, phù hợp với điều kiện ở địa phương; kết quả năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất được nâng cao. Các chương trình, dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả. Công tác xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình tham gia tích cực, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, mức sống từng bước tăng lên, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường, tạo nên những động lực và sức mạnh to lớn cho khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc dân tộc tại tỉnh ta trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại:
 Việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến công tác dân tộc còn giao cho nhiều đơn vị thực hiện không tập trung một đầu mối là Phòng Dân tộc; một số huyện bố trí cán bộ cho phòng dân tộc còn ít nên công tác tham mưu giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các chính sách dân tộc chưa kịp thời. Thực hiện các báo cáo về chính sách dân tộc, báo cáo định kỳ, báo chuyên đề còn chậm, nội dung báo cáo chưa đầy đủ theo yêu cầu nên Ban Dân tộc gặp nhiều khó khăn trong việc chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra và tổng hợp báo cáo cho các cấp, các ngành.
 
 Việc hướng dẫn thực hiện một số chương trình, chính sách của Trung ương chậm, chưa kịp thời, vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.
 Một số cán bộ theo dõi, thực hiện công tác dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn trình độ, năng lực còn hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện chế độ chính sách dân tộc tại địa phương.
Việc nhận thức đúng đắn, nhạy bén vấn đề dân tộc cũng như thực hiện tốt chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, mà còn trợ giúp đắc lực cho việc cũng cố an ninh, quốc phòng. Để thực hiện tốt chính sách dân tộc, Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đồng bào dân tộc thiểu số …Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” (3). Xuất phát từ những quan điểm trong Văn kiện đại hội XII của Đảng và tình hình thực hiện chính sách dân tộc tại tỉnh Gia Lai trong thời gian qua, để thực hiện tốt chính sách dân tộc hiện nay tại tỉnh Gia Lai, cần thực hiện một số nội dung cơ bản sau:
 
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc
 
Hai là, tiếp tục thực hiện tốt chính sách định canh, định cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, thích hợp với từng vùng đồng bào dân tộc; có chính sách phát triển khoa học công nghệ cho các vùng dân tộc thiểu số, tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến lâm. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình xóa đói giảm nghèo, trong đó có chương trình phát triển kinh tế tại các vùng đặc biệt khó khăn.
 
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt công tác giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Mỗi dân tộc đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng, do đó cần phải phát hiện, sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân tộc của những tộc người cư trú trên địa bàn tỉnh. Giữ gìn và phát huy các lễ hội, phong tục truyền thống tốt đẹp của các dân tộc nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, xây dựng các quy chế về lễ hội, quy ước về nếp sống văn minh, ưu tiên kinh phí cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.
 
Bốn là, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng thôn trong vùng dân tộc thiểu số. Già làng, trưởng thôn là những người lớn tuổi, sống gắn bó lâu năm với bà con ở các thôn, làng. Họ là người có kinh nghiệm trong cuộc sống, có sự thông hiểu về các phong tục tập quán, tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của đồng bào. Chính vì thế họ có vai trò rất quan trọng trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, họ được bà con tín nhiệm và nghe theo. Vì vậy, để góp phần tích cực vào công tác vận động, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, chúng ta cần phát huy vai trò của đội ngũ này trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
 
Năm là, tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng dân tộc thiểu và vùng sâu, vùng giáp biên giới. Vì những vùng này có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng, an ninh. Do đó, việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở đây là nhiệm vụ quan trong. Vì vậy, thường xuyên đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đó có chính sách dân tộc, đồng thời vạch rõ âm mưu, kích động, lừa bịp của các thế địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biên giới, xây dựng tiềm lực an ninh, quốc phòng ở địa bàn, đảm bảo kịp thời và đủ sức ứng phó với các từng tình huống xảy ra.
 
Sáu là, tỉnh cần có kế hoạch xây dựng nguồn cán bộ lâu dài, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ là người cán bộ thiểu số, nhất là cán bộ ở cơ sở. Bởi cán bộ cơ sở là người trực tiếp lãnh đạo, quản lý mọi hoạt động ở cơ sở, gắn bó trực tiếp với thôn, làng, am hiểu phong tục tập quán, tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của đồng bào, nên lời nói có tính thuyết phục cao. Hơn nữa, cán bộ là người trực tiếp đưa các đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đi vào cuộc sống của đồng bào.Vì vậy, cần phải có những chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số.
 
Tóm lại, để nâng cao công tác dân tộc và thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng tại tỉnh Gia Lai, cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đòi hỏi các cấp, các ngànhcần tiếp tục đưa những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc. Để góp phần thực hiện thành công vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay./.

 
                                                                       Ths. Lê Thị Thùy Dương
Khoa: Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
                                                                       Trường chính trị tỉnh Gia Lai


Tài liệu tham khảo:
(1); (3) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2016, tr.164 - 165.
(2) Báo cáo của Ban dân tộc tỉnh Gia Lai về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017.

 

Other



Copyright © 2016 Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm: Kpă Đô - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Chung nhan Tin Nhiem Mang
Địa chỉ: 07 Hai Bà Trưng, Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: (0269)3716829 - Fax: (0269)3716829 - Email: bdt@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 02/GP-TTĐT ngày 01 tháng 04 năm 2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai