CHUYÊN MỤC

Nghiên cứu - Trao đổi > Một số chế độ chính sách góp phần nâng cao chất lượng cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia

Một số chế độ chính sách góp phần nâng cao chất lượng cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong giai đoạn hiện nay

26/10/2017

Thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số là một trong những nội dung quan trọng trong công tác cán bộ mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện. Những thành tựu cơ bản của công tác phát triển nguồn cán bộ và đào tạo cán bộ tộc thiểu số trong những năm qua luôn gắn liền với chính sách phát triển nguồn và ưu tiên đào tạo bồi dưỡng cán bộ tộc thiểu số. Trong những năm tiếp theo, chính sách ưu tiên trên sẽ còn phát huy tác dụng to lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ tộc thiểu số vững mạnh cả về số lượng và chất lượng.


Chính sách ưu tiên được Đảng và Nhà nước vận dụng trên ba phương diện:

Thứ nhất, thực hiện chính sách ưu tiên cộng điểm cho thí sinh dự thi trong các kỳ thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp. Chính điều đó đã tạo ra cơ hội lớn để tuyển sinh được con em các tộc thiểu số ở miền núi nói riêng vào các trường chuyên nghiệp để đào tạo họ trở thành cán bộ trên nhiều lĩnh vực.
 
Thứ hai, thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư, đào tạo, con em các dân tộc thiểu số qua hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú, hệ dự bị đại học và hệ cử tuyển trung cấp, cao đẳng, đại học.

Thứ ba, Thực hiện đào tạo bồi dưỡng thường xuyên đối với đội ngũ cán bộ quy hoạch nguồn lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực chuyên môn.
 
Nhìn chung trong những năm qua, các địa phương ở Tây Nguyên đã thực hiện khá tốt vấn đề này. Nhiều địa phương đã có quy hoạch ổn định và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có hệ thống, thường xuyên, liên tục không ngừng trẻ hóa cán bộ, nâng cao năng lực cán bộ theo tiêu chuẩn quy định. Chiến lược cán bộ của Đảng đã vạch ra những định hướng cơ bản, tạo điều kiện để các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn.
 
Một số chủ trương chính sách của Đảng bộ tỉnh Gia Lai:

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách trên đối với cán bộ tộc thiểu số trong tỉnh. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quy định hỗ trợ đối với cán bộ thiểu số đi đào tạo nâng cao trình độ, hỗ trợ cán bộ xã, cán bộ dự nguồn, con em là người dân tộc thiểu số đi học các lớp tại chức chuyên môn tại tỉnh. Nhiều cơ quan, đơn vị đã sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên để hỗ trợ cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ tộc thiểu số đi học và đi nghiên cứu thực tế.

Tỉnh Gia Lai cũng đã quan tâm tới việc mở hệ thống các trường Phổ thông dân tộc nội trú tại các huyện và tại Trung tâm tỉnh, đảm bảo chính sách ưu tiên tạo nguồn cán bộ tộc thiểu số ngay từ nhà trường; quan tâm tới chỉ tiêu cử tuyển vào các trường chuyên nghiệp cho học sinh đã tốt nghiệp phổ thông. Và chế độ, chính sách đối với cán bộ tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị ở Trung ương và tại tỉnh.
 
Đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã có Công văn số 2857/UBND-NL ngày 23/6/2016 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ. Ngày 28/9/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4506/KH-UBND về việc thực hiện đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh các mục tiêu cụ thể: 
 
Đào tạo cán bộ trình độ chuyên môn ngành Y đối với người dân tộc thiểu số, Đại học khoảng 83 người, Cao học khoảng 71 người, Trung cấp khoảng 20 người; bồi dưỡng chính trị Trung cấp trên 29 người, cao cấp trên 24 người.

Lao động qua đào tạo nghề dạt khoảng 30.000 người; trong đó Trung cấp , cao đẳng nghề khoảng 1.000 người, sơ cấp khoảng 4.000 người, dạy nghề dưới 3 tháng  khoảng 25.000 người. Giai đoạn 2016-2020 nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, hội nhập quốc tế cho học sinh người dân tộc thiểu số phấn đấu đạt 50%, năm 2030 70% trong độ tuổi 18 – 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động việc làm[7].
 
Hàng năm, tỉnh Gia Lai phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung và công chức người tộc thiểu số nói riêng, cụ thể qua từng năm.
Trường phổ thông Dân tộc nội trú được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách, lựa chọn bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để đảm bảo việc nuôi, dạy học sinh. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc vào học các trường phổ thông Dân tộc nội trú: Được miễn học phí, cấp học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu, hỗ trợ sách vở… (Tiếp tục thực hiện theo Thông tư liên tịch 109/TTLT- BTC-BGDDT, ngày 29/5/2009 về việc hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc).

Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú (thực hiện Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ) học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, bằng 40% mức lương tối thiểu; hỗ trợ nhà ở: được ở trong khu bán trú của trường, đối với học sinh phải tự lo chỗ ở, được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu. Chế độ này học sinh được hưởng từ 01/01/2011.

Chế độ cử tuyển: Thực hiện theo quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Sinh viên cử tuyển được Nhà nước chi trả học phí, cấp học bổng (bằng 80% mức lương tối thiểu); cấp chi phí học tập  (bằng 50% mức lương tối thiểu. Công tác cử tuyển đã góp phần đào tạo một số cán bộ nguồn là ng­ười dân tộc thiểu số tại các xã vùng 3, vùng 2 và là động lực phấn đấu về các mặt đạo đức, học lực của học sinh dân tộc thiểu số đang học tại các trư­ờng phổ thông để được xét đi học.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho công chức cấp xã đi đào tạo: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 794/QĐ-UBND ngày 23/11/2010 về việc quy định đối tượng và mức hỗ trợ tiền ăn cho công chức cấp xã đi đào tạo. Theo đó, công chức cấp xã đi học được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tập trung học tập tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ tối đa không quá 40.000 đồng/ngày/người [4, tr.2].
 Chính sách đào tạo và thu hút người có trình độ cao:

Nhằm thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND ngày 29/9/2010 quy định về giao đất xây dựng nhà ở cho cán bộ, công chức được điều động về tỉnh công tác và người có trình độ cao công tác trên địa bàn tỉnh.

Giao đất xây dựng nhà ở: Người có trình độ cao theo quy định trên được tiếp nhận về công tác tại các cơ quan thuộc tỉnh quản lý, có cam kết thời gian công tác tại tỉnh tối thiểu là 10 năm kể từ ngày tiếp nhận; chưa có nhà ở, chưa có đất thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của mình tại thành phố Pleiku được giao đất xây dựng nhà ở.
Hỗ trợ tiền sử dụng đất: Các đối tượng được giao đất được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Ngoài ra được hỗ trợ tiền sử dụng đất, quy định như sau: Nhà giáo nhân dân, nghệ sỹ nhân dân, thầy thuốc nhân dân, người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, người có học vị tiến sỹ hoặc tương đương được hỗ trợ 100% tiền sử dụng đất. Nhà giáo ưu tú, nghệ sỹ ưu tú, thầy thuốc ưu tú, người có học vị thạc sỹ hoặc tương đương được hỗ trợ 50% tiền sử dụng đất [2, tr.1].

Tiếp sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 24/12/2010 về quy định chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Gia Lai. Theo đó, quy định về nội dung và mức hỗ trợ đào tạo sau đại học:
Hỗ trợ chi phí ôn thi, tiền học phí và tiền tài liệu học tập:
Hỗ trợ chi phí ôn thi sau khi thi đỗ đầu vào một lần với mức: 3.000.000 đồng/người đối với tiến sĩ, chuyên khoa cấp 2 và 2.000.000 đồng/người đối với thạc sĩ, chuyên khoa cấp 1 (được cấp sau khi trúng tuyển và có Quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền) [3, tr.1];
Thanh toán tiền học phí theo chứng từ thực tế của cơ sở đào tạo;
Thanh toán tiền tài liệu theo thực tế chứng từ mua tài liệu để học tập (không quá 2.000.000 đồng/người/năm);
Hỗ trợ để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đi học sau khi tốt nghiệp (áp dụng đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và được cấp một lần sau khi có kết quả tốt nghiệp): Tiến sĩ: 35.000.000 đồng/người; Chuyên khoa cấp 2: 25.000.000 đồng/người; Thạc sĩ: 20.000.000 đồng/người; Chuyên khoa cấp 1: 15.000.000 đồng/người.
 
 Chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh: hỗ trợ kinh phí một lần như sau: Tiến sĩ: 55.000.000 đồng/người; Chuyên khoa cấp 2: 35.000.000 đồng/người; Thạc sĩ: 25.000.000 đồng/người; Chuyên khoa cấp 1: 20.000.000 đồng/người; Tốt nghiệp đại học (chính quy) loại xuất sắc, giỏi: 10.000.000 đồng/người [3, tr.2].

Ngoài việc hưởng chính sách hỗ trợ một lần nêu trên, người có văn bằng tốt nghiệp sau đại học còn được hưởng một số chính sách: Được tuyển dụng ngay không chờ kỳ tuyển dụng (kể cả người tốt nghiệp đại học chính quy loại xuất sắc, giỏi); được xếp lương theo quy định hiện hành; được tạo điều kiện cho vợ (hoặc chồng) có việc làm ổn định tại tỉnh (nếu có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu của tỉnh); được giao đất xây dựng nhà ở theo quy định tại Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND ngày 29/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh. 

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số của Đảng bộ tỉnh Gia Lai là nhiệm vụ mang tính chiến lược, chính vì vậy, Đảng bộ tỉnh Gia Lai cần có những đổi mới chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo, nhằm nâng cao trình độ cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần đảm bảo sự ổn định về chính trị, giữ vững an ninh - quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên cũng như trên phạm vi cả nước.
 
ThS. Vũ Thị Thảo
Giảng viên -Trường Chính trị tỉnh Gia Lai
_____________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ủy Ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2009), Quyết định số 60/2009/QĐ-UBND  về chính sách hỗ trợ đối với sinh viên đã tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác theo Đề án số 03-ĐA/TU ngày 12/6/2009 của Tỉnh uỷ Gia Lai.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2010), Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND ngày 29/9/2010 quy định về giao đất xây dựng nhà ở cho cán bộ, công chức được điều động về tỉnh công tác và người có trình độ cao công tác trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2010), Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 24/12/2010 quy định chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học và chính sách thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Gia Lai.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2010), Quyết định số 794/QĐ-UBND ngày 23/11/2010 về việc quy định đối tượng và mức hỗ trợ tiền ăn cho công chức cấp xã đi đào tạo.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2011), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011 – 2020.
6. Ủy Ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2015), Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc.
7. Ủy Ban nhân dân tỉnh Gia Lai (2016),  Kế hoạch số 4506/KH-UBND về việc thực hiện đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Gia Lai.
8. Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, Báo  cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2016 và thực hiện nhiệm vụ năm 2017.
 
 

Other



Copyright © 2016 Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm: Kpă Đô - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Chung nhan Tin Nhiem Mang
Địa chỉ: 07 Hai Bà Trưng, Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: (0269)3716829 - Fax: (0269)3716829 - Email: bdt@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 02/GP-TTĐT ngày 01 tháng 04 năm 2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai